Hotline kỹ thuật
Hotline sẽ được cung cấp riêng cho các đồng nghiệp và miễn phí, hỗ trợ 24/7
Tải App mobile
16 THÁNG 07, 2024

Lớp học đảo ngược là gì? Cách áp dụng mô hình Flipped Classroom

Khánh Hùng

303
0
0 Đã sao chép!

Lớp học đảo ngược là một mô hình giáo dục tiên tiến đang ngày càng phổ biến trong môi trường giảng dạy hiện đại. Thay vì theo phương pháp truyền thống thì hình thức dạy học này hoàn toàn được đảo ngược. Vậy rốt cuộc thì phương pháp lớp học đảo ngược là gì và cách thức hoạt động của phương pháp này như thế nào? Cùng Khánh Hùng Academy tìm hiểu chi tiết về Flipped classroom là gì, những lợi ích và quy trình tổ chức hiệu quả ngay trong bài viết dưới đây nhé.

Tổng quan lớp học đảo ngược là gì?

Mô hình lớp học đảo ngược được đánh giá là một trong những phương pháp giảng dạy hiện đại và tối ưu nhất trong lĩnh vực giáo dục hiện nay. Mặc dù hình thức này khá phổ biến ở phương Tây, nhưng ở Việt Nam vẫn là một khái niệm còn mới mẻ. Vì vậy, ở phần này Hùng sẽ nói qua thông tin tổng quan về mô hình lớp học theo Flipped để các đồng nghiệp có góc nhìn chi tiết hơn.

Khái niệm về Flipped classroom

Khái niệm lớp học đảo ngược là gì

Flipped classroom (Lớp học đảo ngược) là một mô hình giáo dục đảo ngược hoàn toàn trình tự học tập truyền thống mà bạn từng thấy. Ở mô hình dạy học này, người học sẽ tự học qua các tài liệu điện tử (video, bài giảng Elearning) tại nhà và đến lớp để thực hành, thảo luận dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Minh họa khác biệt phương pháp lớp học đảo ngược và học truyền thống

Phương pháp này nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và nâng cao khả năng tự học của người học. Có nhiều mô hình lớp học đảo ngược khác nhau, mỗi mô hình phù hợp với từng bối cảnh của nền giáo dục 4.0 hiện nay. Cụ thể là:

  • Lớp học lật ngược thông thường: Giáo viên cung cấp tài liệu học tập trực tuyến để người học xem trước khi đến lớp. Sau đó, giờ học trên lớp được dành để thảo luận và giải quyết các vấn đề thực tế.
  • Lớp học lật ngược theo nhóm: Người học được phân vào các nhóm để cùng nghiên cứu tài liệu tại nhà. Trên lớp, các nhóm sẽ thuyết trình và trả lời câu hỏi, tạo nhiều điều kiện tương tác trong không gian học tập.
  • Lớp học tranh luận: Người học nghiên cứu tài liệu trước và tham gia vào các buổi tranh luận trên lớp. Qua đó, người học sẽ rèn luyện được kỹ năng phản biện và phân tích sâu sắc về chủ đề học.
  • Lớp học quy mô nhỏ: Đây là sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống và mô hình đảo ngược. Giáo viên vẫn giảng dạy trên lớp, nhưng với nội dung ngắn gọn hơn, đồng thời cung cấp tài liệu để người học tự học tại nhà.
  • Lớp học lật ngược “giả”: Người học vẫn tiếp cận tài liệu trực tuyến tại trường, sử dụng thiết bị của nhà trường thay vì cá nhân. Mô hình này phù hợp với những học viên không có điều kiện tiếp cận công nghệ tại nhà, nhưng hạn chế tính linh hoạt trong việc tự nghiên cứu tài liệu.

Lớp học đảo ngược được xây dựng dựa trên các yếu tố nào?

Mô hình lớp học đảo ngược không hề đơn giản vì cần tập trung vào việc chuyển đổi vai trò của giáo viên từ người truyền đạt kiến thức thành người hướng dẫn và hỗ trợ cho người học. Do đó lớp học lật ngược cần được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố dưới đây để tạo nên một môi trường học tập hiệu quả và phong phú:

  • Môi trường học tập linh hoạt: Lớp học cần cung cấp sự linh hoạt về thời gian và không gian học tập, tạo điều kiện để người học có thể học tại nhà, quán cà phê hoặc bất kỳ nơi nào có kết nối internet, giúp họ tự chủ trong việc lựa chọn thời điểm và môi trường học tập phù hợp với mình.
  • Văn hóa học tập chủ động: Mô hình khuyến khích khả năng tự học và tự suy ngẫm của người học. Thay vì chỉ tiếp nhận kiến thức một chiều từ giáo viên, họ sẽ được khuyến khích tìm hiểu sâu hơn về các chủ đề, tự giải quyết các vấn đề và phát triển tư duy phản biện.
  • Nội dung có chủ đích: Giáo viên trong các lớp học đảo ngược sẽ quyết định những nội dung nào người học cần tự nghiên cứu tại nhà và những nội dung nào sẽ được thảo luận, thực hành trực tiếp trên lớp. Điều này giúp tối ưu hóa thời gian học tập và đảm bảo người học hiểu rõ các kiến thức cơ bản trước khi đi sâu vào các chủ đề phức tạp.
  • Sự chuyên nghiệp của giáo viên: Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, hỗ trợ người học cả trong và ngoài giờ học. Họ cần thường xuyên phản hồi, góp ý và tương tác với học viên, đảm bảo không có lỗ hổng kiến thức và giúp người học phát triển một cách toàn diện.
Yếu tố cần nên có xây dựng mô hình lớp học đảo ngược

Đặc điểm của mô hình lớp học đảo ngược

Flipped classroom giúp tăng cường tính chủ động và khả năng tự học của người học với những đặc điểm sau đây:

  • Công nghệ đóng vai trò quan trọng: Việc áp dụng các công cụ như phần mềm dạy học trực tuyến, giáo án trình chiếu, video bài giảng, tài liệu online,…  giúp người học hiểu rõ hơn về bài học, hỗ trợ người học tiếp cận và nắm vững kiến thức lý thuyết tại nhà, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho các buổi học trên lớp.
  • Khuyến khích người học tích cực tham gia và tự tin hơn trong việc tích lũy kiến thức: Thay vì phải đối mặt với những khó khăn khi làm bài tập tại nhà mà không hiểu bài, lớp học đảo ngược giúp người học giải quyết các vấn đề này ngay tại lớp với sự hỗ trợ trực tiếp từ giáo viên và bạn bè.

Các đồng nghiệp có thể thấy rõ hơn đặc điểm của mô hình Flipped classroom qua nội dung so sánh ở bảng sau.

Hoạt động Người dạy Người học
Ngoài không gian lớp học
  • Chuẩn bị giáo án lớp học đảo ngược, tài liệu, video bài giảng.
  • Cung cấp nội dung bài giảng cho người học trên hệ thống.
  • Xem trước nội dung bài giảng và tự học trước.
  • Ghi chú bài học, liệt kê những nội dung chưa hiểu, chuẩn bị câu hỏi cho người dạy.
Trong không gian lớp học
  • Nắm vai trò điều phối lớp học.
  • Hỗ trợ người học giải đáp thắc mắc, trả lời câu hỏi và xây dựng tình huống thực tế cho người học.
  • Tham gia hoạt động trên lớp học một cách chủ động
  • Đặt câu hỏi cho giáo viên
  • Thực hành và ứng dụng các kiến thức vào thực tế.

Ưu và nhược điểm khi áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược vào thực tế

Khi áp dụng phương pháp dạy học nào vào thực tế bạn cũng cảm nhận được những ưu và nhược điểm riêng, và tất nhiên lớp học lật ngược cũng không là ngoại lệ. Ưu và nhược điểm của hình thức học này phần lớn phụ thuộc vào những đối tượng tham gia quá trình học tập và giảng dạy này.

Flipped classroom giúp người học phát triển nhiều kỹ năng

Một số ưu điểm của lớp học đảo ngược mà các đồng nghiệp dễ thấy được khi áp dụng phương pháp này, điển hình là:

  • Tự học và phát triển kỹ năng: Người học có thể tự điều khiển quá trình học tập, từ đó nâng cao kỹ năng tự học, phân tích và tập trung hơn. Điều này giúp người học trở nên chủ động và có thể tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu khác nhau trên internet.
  • Tăng cường tương tác giữa người học và giáo viên: Lớp học lật ngược tạo ra môi trường thích hợp cho các hoạt động thảo luận, tranh luận và đối thoại trực tiếp giữa người học và giáo viên. Điều này giúp người học hiểu sâu hơn và áp dụng kiến thức vào thực tế.
  • Tiết kiệm chi phí và thuận tiện: Việc sử dụng tài liệu điện tử giúp giảm chi phí cho các tài liệu giáo khoa và sách bài tập. Người học có thể dễ dàng truy cập và tham khảo nhiều nguồn kiến thức từ bất kỳ đâu.
  • Khuyến khích sự tò mò và sáng tạo: Việc người học tự nghiên cứu tài liệu thường khơi gợi sự tò mò và sáng tạo, giúp họ phát triển khả năng tự học và giải quyết vấn đề.
  • Đánh giá hiệu quả hơn: Người học được đánh giá dựa trên sự hiểu và áp dụng thực tế, từ đó giúp giáo viên đánh giá khả năng và sự tiến bộ của người học một cách cụ thể và chính xác hơn.
Hạn chế về ứng dụng công nghệ trong lớp học lật ngược

Không có phương pháp nào là hoàn hảo, đi kèm với những ưu điểm thì phương pháp lớp học đảo ngược vẫn còn những nhược điểm nhất định.

  • Khó khăn trong áp dụng công nghệ: Một số giáo viên và người học có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ và các nền tảng học tập trực tuyến, đặc biệt là những người không quen thuộc với công nghệ.
  • Tạo khoảng cách giữa các người học: Người học có khả năng khác nhau trong việc tiếp thu và tự học, dẫn đến sự chênh lệch và phân hóa trong lớp học.
  • Tăng trách nhiệm cá nhân: Việc người học phải tự nghiên cứu và tự học đòi hỏi sự tự giác và trách nhiệm cao, khiến đôi khi bị áp lực.
  • Chi phí và kỹ năng giáo viên: Để triển khai mô hình lớp học đảo ngược, giáo viên cần phải có kỹ năng sư phạm tốt và sử dụng công nghệ hiệu quả, điều này đòi hỏi đầu tư thêm vào đào tạo và nâng cao năng lực.
  • Định hướng học tập chưa hiệu quả: Một số trường hợp, flipped classroom có thể dẫn đến việc người học chỉ tập trung vào việc giải bài tập và không đạt được mục tiêu học tập lớn hơn như hiểu sâu và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Lợi ích khi áp dụng mô hình Flipped classroom

Flipped Classroom là một mô hình giáo dục linh hoạt và hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người học và giáo viên. Một số lợi ích của lớp học đảo ngược đáng kể đến như sau:

Về phía người học:

Mô hình lớp học lật ngược không chỉ giúp người học phát triển kỹ năng tự học mà còn thúc đẩy tư duy phản biện và khả năng hợp tác, cụ thể là:

  • Phát triển kỹ năng tự học: Người học chủ động trong việc tìm hiểu và nghiên cứu bài học, từ đó nâng cao kỹ năng tự học và tính kỷ luật.
  • Linh hoạt thời gian học: Người học có thể lựa chọn thời gian và địa điểm học phù hợp với bản thân, giúp tối ưu thời gian học tập.
  • Tăng cường tương tác: Phương pháp lớp học đảo ngược tạo điều kiện cho người học kết nối và tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình.
  • Học hiệu quả hơn: Bài học trở nên thú vị và thu hút, giúp người học dễ dàng áp dụng kiến thức vào thực tiễn dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
  • Tạo môi trường học tập thân thiện: Phù hợp với mọi trình độ, giúp việc học trở nên hiệu quả và có ý nghĩa hơn.

Về phía giáo viên:

Có thể thấy, phương pháp này không những giúp giáo viên dễ dàng nhận biết những khó khăn mà học sinh gặp phải mà còn đem lại rất nhiều lợi ích cho riêng phía người dạy:

  • Tiết kiệm thời gian giảng dạy kiến thức nền tảng: Người dạy có thể sử dụng học qua video bài giảng ghi hình, giảm bớt thời gian giảng dạy truyền thống.
  • Tối ưu thời gian làm việc: Người dạy có thêm thời gian để nghiên cứu kiến thức mới, hướng dẫn và hỗ trợ người học thực hành chuyên sâu.
  • Phát triển kỹ năng sáng tạo: Cơ hội tìm tòi và sáng tạo những nội dung sinh động, thú vị để thu hút người học vào bài học.
  • Tăng cường đánh giá người học: Có thêm thời gian hơn để đánh giá điểm mạnh, yếu của mỗi người học, từ đó giảng dạy hiệu quả hơn.

Thực trạng mô hình lớp học đảo ngược ở Việt Nam

Thực trạng phương pháp lớp học đảo ngược tại Việt Nam

Hiện nay, mô hình lớp học đảo ngược đang dần khẳng định tầm quan trọng trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Giúp mang lại nhiều lợi ích cho người học thông qua việc tập trung vào các hoạt động học tập thực hành. Bên cạnh đó, việc sử dụng các công cụ và nền tảng học tập trực tuyến giúp tối ưu hóa nguồn lực và tiết kiệm thời gian học tập.

Tuy nhiên, việc triển khai lớp học lật ngược cũng đặt ra nhiều thách thức đối với giáo dục Việt Nam. Khi thiếu thông tin, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và phụ huynh, cũng như sự thiếu chuẩn bị kỹ năng cho giáo viên và người học. Điều này cần sự đồng thuận và cam kết từ tất cả các bên để mô hình Flipped classroom này có thể phát triển và mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình giảng dạy, học tập.

Quy trình tổ chức lớp học đảo ngược từ lớp học truyền thống

Hùng biết rằng việc triển khai lớp học đảo ngược có thể mang lại rất nhiều lợi ích trong việc giảng dạy. Nhưng để có thể tận dụng tối đa tiềm năng của mô hình, các đồng nghiệp cần phải hiểu và nắm rõ được quy trình tổ chức. Dưới đây là 4 bước quan trọng để bạn có thể áp dụng Flipped classroom một cách hiệu quả:

Bước 1: Giới thiệu nhiệm vụ

Bước đầu tiên trong quy trình tổ chức lớp học lật ngược là giới thiệu rõ ràng nhiệm vụ cho người học. Đây là cơ hội để người dạy trình bày chi tiết những gì người học cần làm và chuẩn bị cho các hoạt động trên lớp. Việc xác định kỳ vọng rõ ràng sẽ giúp người học hiểu và chuẩn bị tốt hơn cho buổi học tiếp theo.

Bước 2: Lựa chọn tài liệu, sắp xếp nội dung học tập

Để áp dụng mô hình lớp học đảo ngược hiệu quả, việc lựa chọn tài liệu học tập đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người học tiếp cận và hấp thụ kiến thức một cách hiệu quả. Các đồng nghiệp có thể linh hoạt tạo ra tài liệu riêng cho lớp học lật ngược hoặc lựa chọn từ các nguồn tài liệu trực tuyến phong phú như:

  • Video trực tuyến: Quay video dạy học ngắn gọn và kèm theo câu hỏi hướng dẫn sẽ tăng sự tương tác của người học. Đối với việc học trực tuyến, bạn có thể bổ sung hình ảnh, sơ đồ, dẫn chứng thực tế để làm nổi bật các ý chính và khuyến khích người học thảo luận.
  • Bài thuyết trình và Podcast: Giúp người học hiểu rõ hơn về các khái niệm phức tạp. Hãy sử dụng các công cụ như Google Slides hoặc thiết kế bài giảng PowerPoint để tạo nội dung trình bày chuyên nghiệp và dễ hiểu.
  • Thiết lập một hệ thống phản hồi: Để người học có thể gửi câu hỏi và đưa ra phản hồi sau khi học tập trước khi tham gia vào buổi học trực tiếp. Điều này giúp nâng cao tính tương tác và sự tham gia của người học trong quá trình học tập.

Bước 3: Đánh giá những gì người học đã học

Trước khi đến lớp, các đồng nghiệp nên tiến hành đánh giá mức độ hiểu của người học về các tài liệu đã được cung cấp. Nhằm đo lường hiệu quả quá trình học tập trước khi họ tham gia vào các hoạt động thực hành trên lớp. Điều này còn giúp người học đều hiểu rõ mức độ nắm bắt kiến thức và sự chuẩn bị của từng cá nhân.

Đánh giá có thể được thực hiện thông qua nhiều phương pháp khác nhau như:

  • Câu hỏi tự đánh giá, câu hỏi trắc nghiệm
  • Diễn đàn thảo luận trực tuyến trước lớp
  • Sử dụng bản đồ khái niệm để trực quan hóa mối liên hệ giữa các yếu tố kiến thức.

Thông qua việc đánh giá chặt chẽ này, bạn có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy và các hoạt động trên lớp sao cho phù hợp hơn với nhu cầu học tập của từng người học. Đồng thời, người học cũng có cơ hội tự đánh giá và cải thiện kiến thức của mình, từ đó thúc đẩy quá trình học tập trở nên hiệu quả và mang lại kết quả tích cực hơn.

Bước 4: Tiến hành các hoạt động trên lớp

Cuối cùng, trong buổi học bạn nên dành thời gian để thực hiện các hoạt động tăng tính tương tác. Sau khi người học đã tự nghiên cứu và học tập qua các tài liệu và video ở nhà, người dạy cần tiếp tục với các hoạt động trong lớp để củng cố và mở rộng kiến thức. Các đồng nghiệp có thể lựa chọn cho người học hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm:

  • Hoạt động cá nhân: Sử dụng các công cụ đặt câu hỏi trắc nghiệm, bản đồ tư duy hay giải đáp các thắc mắc của từng cá nhân, hoặc các bài thuyết trình giúp người học hiểu rõ để áp dụng kiến thức hiệu quả.
  • Hoạt động nhóm: Thảo luận và tranh luận là hai phương pháp hoạt động theo nhóm phổ biến giúp người học học hỏi từ nhau và phát triển kỹ năng giao tiếp và lập luận. Ngoài ra cũng hỗ trợ việc khám phá các khía cạnh thực tế của một chủ đề và tạo ra sự kết nối giữa các thông tin khác nhau.

Có thể nói rằng, mô hình lớp học đảo ngược là một trong những ví dụ của việc đổi mới phương pháp dạy học. Người học có thời gian chuẩn bị và tham gia tích cực vào quá trình học tập, đồng thời người dạy cũng có thể tập trung vào việc giải đáp thắc mắc, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy. Hy vọng bài viết của Hùng đã cung cấp những thông tin hữu ích để giúp các đồng nghiệp hiểu rõ hơn về Flipped classroom là gì, quy trình tổ chức lớp học đảo ngược như thế nào để có thể áp dụng vào quá trình giảng dạy khóa học hiệu quả nhất.