Hotline kỹ thuật
Hotline sẽ được cung cấp riêng cho các đồng nghiệp và miễn phí, hỗ trợ 24/7
Tải App mobile
24 THÁNG 07, 2024

Microlearning là gì? Lợi ích và hạn chế khi đào tạo Microlearning

Khánh Hùng

328
0
0 Đã sao chép!

Bạn đang đau đầu vì hiệu quả các buổi học không được cao? Thời gian đào tạo quá dài khiến người học cảm thấy nhàm chán nhưng chưa tìm được giải pháp nào khác? Hùng ở đây để đem đến hướng giải quyết cho những vấn đề này. Với sự kết hợp giữa nội dung ngắn gọn, dễ hiểu cùng khả năng tùy chỉnh cao, mô hình Microlearning hứa hẹn sẽ là “công cụ đắc lực” giúp các đồng nghiệp nâng cao chất lượng giảng dạy. Để tìm hiểu chi tiết hơn về khái niệm Microlearning là gì và những ưu – nhược điểm của hình thức này, đừng bỏ qua nội dung bài viết sau đây nhé.

Học tập chia nhỏ – Microlearning là gì?

Tìm hiểu mô hình Microlearning là gì

Microlearningphương pháp học tập hiện đại, được áp dụng bằng cách chia nhỏ nội dung thành các mô-đun thông tin ngắn gọn, dễ tiếp thu. Phương pháp này sẽ giúp các đồng nghiệp cung cấp những phần kiến thức cần thiết trong thời gian ngắn nhưng người học  vẫn có thể đạt được mục tiêu đào tạo cụ thể.

Để tạo nên một khóa học theo hình thức Microlearning hiệu quả, các đồng nghiệp có thể dựa trên tiêu chí D.A.T:

  • Digestible: Nội dung được rút gọn, thu hẹp từ chủ đề lớn
  • Actionable: Kiến thức, nội dung bài học cần mang tính ứng dụng cao
  • Timebound: Gói gọn trong khung thời gian nhất định đủ để truyền tải kiến thức.

*Ví dụ: Bạn đang rất gấp chuẩn bị quà tặng người thân nhưng lại không biết cách thắt nơ, tất nhiên các đồng nghiệp sẽ tìm kiếm như trên Youtube hay TikTok chẳng hạn, tìm ngay một video dạy thắt nơ đơn giản mà ngắn gọn nhất tầm 3p. Hùng sẽ phân tích trường hợp này dưới tiêu chí D.A.T cho bạn dễ hiểu:

  • Digestible: Nội dung tập trung vào cách thắt nơ hộp quà
  • Actionable: Sau khi xem xong video, bạn biết được kỹ thuật thắt nơ
  • Timebound: Video chỉ gói gọn chỉ trong 3p.

Nhờ khả năng cải thiện hiệu quả ghi nhớ và dễ dàng áp dụng thực tế, Microlearning trở nên hữu ích trong bối cảnh kinh doanh và được nhiều doanh nghiệp chọn lựa vì nó giúp người học nhanh chóng nắm bắt, áp dụng kiến thức mới mà không bị mất tập trung. Ngoài ra, xây dựng Microlearning cũng trở thành xu hướng giáo dục mới, ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực hiện nay.

Tìm đọc thêm: M-learning là gì? Xu hướng phát triển mô hình Mobile Learning

Hình thức Microlearning hoạt động như thế nào?

Học tập chia nhỏ là phương pháp học tập được phát triển dựa trên khái niệm “đường cong quên lãng” của Hermann Ebbinghaus, chỉ ra rằng khi lượng thông tin được học cùng một lúc tăng lên, khả năng giữ lại những thông tin đó sẽ giảm đi. Để tránh tình trạng đó, mô hình Microlearning sẽ chia thông tin thành các mảnh nội dung nhỏ và cho phép người học tiếp cận lại thông tin này theo thời gian.

Minh họa đường cong quên lãng của Ebbinghaus

Một module Microlearning điển hình thường kéo dài từ ba đến sáu phút, tập trung vào một nội dung cụ thể để người học có thể tiếp thu và thường được thể hiện qua các hoạt động như:

  • Xem video hướng dẫn/ infographic và trả lời câu hỏi.
  • Tham gia trò chơi online rèn luyện kỹ năng.
  • Đọc bản tóm tắt và trả lời một loạt câu hỏi ngắn.
  • Sử dụng thẻ flashcard ôn tập trước bài test.
  • Tham gia vào các tình huống mô phỏng dựa trên kịch bản có sẵn.

Các module Microlearning thường được truy cập khi cần thiết hoặc được phân công như một phần của mục tiêu hàng tháng hoặc hàng quý nên tạo cảm giác thoải mái cho người học.

Tại sao xây dựng Microlearning trong đào tạo lại hiệu quả?

Hùng và các đồng nghiệp cũng đều có thể thấy rõ xây dựng Microlearning đang trở thành xu hướng phổ biến trong đào tạo và giảng dạy hiện nay. Theo nghiên cứu, phương pháp này có thể giảm 50% chi phí và tăng tốc độ phát triển khóa học lên đến 300%, làm cho việc triển khai đào tạo trở nên nhanh chóng và tiết kiệm hơn. Đồng thời ở phía người học cũng mang lại những hiệu quả cụ thể như:

  • Cải thiện hiệu quả học tập bằng những nội dung học tập ngắn gọn và dễ hiểu.
  • Linh hoạt khả năng tùy chỉnh cho phép người học tự quản lý thời gian học tập, phù hợp với lịch trình bận rộn.
  • Tăng cường sự tương tác và hứng thú của người học thông qua các hoạt động học tập hấp dẫn và tương tác cao.
  • Chia nhỏ nội dung học tập thành các module ngắn giúp giảm cảm giác quá tải.

Lợi ích của của mô hình Microlearning trong giáo dục

Microlearning ngày càng được nhiều người biết đến và tất nhiên ưu điểm mà nó mang lại tỷ lệ thuận với độ phổ biến đó. Nhưng nếu các đồng nghiệp chỉ mới được nghe nói sơ qua về hình thức học này thì hãy cùng Hùng tìm hiểu những lợi ích dưới đây và hiểu được vì sao mô hình lại được áp dụng nhiều đến thế.

Ưu tiên người học ở vị trí trung tâm

Microlearning lấy người học làm trung tâm

Học tập chia nhỏ cho phép người học lựa chọn nội dung học tập theo nhu cầu và thời gian của mình, giúp cá nhân hóa quá trình học tập. Người học có thể tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt, phù hợp với tốc độ và sở thích riêng.

Dễ tiếp cận, đúng thời điểm

Nhờ vào các module học tập ngắn gọn và dễ hiểu, xây dựng Microlearning giúp người học tiếp cận kiến thức ngay khi cần thiết. Điều này giúp người học áp dụng kiến thức ngay lập tức vào thực tiễn, tăng hiệu quả học tập.

Tối ưu thời gian học tập và giảm chi phí đào tạo

Tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo

Hình thức Microlearning giúp giảm thời gian học tập nhờ vào các bài học ngắn gọn, dễ tiếp thu. Đồng thời, phương pháp này cũng các đồng nghiệp giảm bớt các chi phí đào tạo bằng cách loại bỏ nhu cầu về phòng học, tài liệu in ấn hay chi phí đi lại.

Tăng cường sự gắn kết giữa các người học

Các bài học thường được thiết kế hấp dẫn, tương tác cao, giúp người học duy trì sự hứng thú và tập trung trong suốt quá trình học đồng thời tạo ra một môi trường học tập tích cực và gắn kết hơn.

Nâng cao khả năng ghi nhớ kiến thức của người học

Mô hình Microlearning giúp tăng khả năng khi nhớ kiến thức

Hình thức học tập chia nhỏ nội dung sẽ thường kết hợp với các phương pháp học tập đa phương tiện như video, hình ảnh, đồ họa thông tin,… Với các bài học ngắn gọn, người học có thể tập trung vào từng khái niệm cụ thể, giúp tăng khả năng ghi nhớ và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Ứng dụng được rộng rãi

Phương pháp học Microlearning có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực và cho nhiều đối tượng học viên khác nhau, từ học sinh, sinh viên đến nhân viên trong doanh nghiệp. Ngoài ra còn có thể linh động ứng dụng trong nhiều ngành nghề hiện nay. Mô hình cũng dễ dàng tích hợp vào các chương trình đào tạo hiện có, tạo nên một hệ thống học tập linh hoạt và hiệu quả.

Dễ dàng cập nhật và chia sẻ

Học tập chia nhỏ cho phép việc cập nhật kiến thức dễ dàng

Đào tạo Microlearning cho phép cập nhật nội dung học tập một cách nhanh chóng và dễ dàng. Các module học tập có thể được chia sẻ rộng rãi, giúp người học tiếp cận kiến thức mới nhất mà không gặp phải các rào cản về địa lý hay thời gian.

Đào tạo Microlearning có gặp hạn chế không?

Microlearning vượt trội với tính linh hoạt và khả năng tùy chỉnh, đã trở thành phương pháp đào tạo được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng. Tuy nhiên, như bất kỳ phương pháp nào khác, mô hình Microlearning cũng không tránh khỏi những hạn chế. Nhưng nếu biết cách, các đồng nghiệp vẫn có thể tận dụng những hạn chế này để tìm được chủ đề phù hợp cho nội dung bài giảng.

Quản lý số lượng nội dung lớn

Hạn chế đào tạo Microlearning với số lượng lớn

Microlearning với đặc trưng là các bài học ngắn thường kéo dài từ 5-10 phút, đòi hỏi phải tạo ra một lượng lớn nội dung để bao quát tất cả các chủ đề. So với hình thức học Elearning với nội dung được phân chia thành các phần kéo dài 30 – 60 phút, học tập chia nhỏ yêu cầu nhiều thời gian và công sức hơn trong việc tạo, tổ chức và duy trì nội dung trong hệ thống quản lý học tập (LMS). Điều này có thể làm tăng khối lượng công việc, khó nhằn cho đội ngũ quản lý đào tạo.

Không phù hợp với các hình thức đào tạo chuyên sâu

Mặc dù hình thức đào tạo theo hướng chia nhỏ nội dung khá hiệu quả trong việc cung cấp kiến thức ngắn và cụ thể, nhưng nó không phải là phương pháp tốt nhất cho các chủ đề cần nghiên cứu chuyên sâu.

Đề Hùng ví dụ cho các đồng nghiệp dễ hiểu hơn, khi học một ngôn ngữ mới, mô hình Microlearning có thể giúp các đồng nghiệp dễ dàng nắm bắt các cuộc hội thoại cơ bản. Tuy nhiên, để hiểu sâu hơn về nguồn gốc hoặc các khái niệm phức tạp khác, phương pháp này sẽ khó có thể làm được. Nên đối với những khóa học đòi hỏi sự phân tích và nghiên cứu chi tiết, các phương pháp đào tạo truyền thống hoặc kết hợp có thể mang lại hiệu quả tốt hơn.

Không hình thành lên được bức tranh toàn cảnh

Khó hình dung tổng thể khi đào tạo

Đào tạo Microlearning tập trung vào các khái niệm nhỏ lẻ và cụ thể, điều này có thể gây khó khăn cho người học trong việc kết nối tổng hợp. Khi các bài học bị chia nhỏ quá mức, người học có thể mất đi khả năng thấy được mối liên hệ giữa các khái niệm và áp dụng chúng một cách toàn diện. Đối với những chủ đề đòi hỏi sự hiểu biết tổng quát và toàn diện, việc áp dụng phương pháp đào tạo khác sẽ hiệu quả hơn.

Mở rộng nội dung cá nhân hóa

Với tính chất ngắn gọn của các bài học, hình thức Microlearning có thể dẫn đến hàng trăm mô-đun khác nhau cho một khóa đào tạo. Vì vậy, các đồng nghiệp cũng có thể thấy việc cá nhân hóa và định hướng nội dung đến từng người học không hề dễ dàng.

Việc phê duyệt và cá nhân hóa từng mô-đun sẽ tốn nhiều công sức. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và nguồn lực để đảm bảo mỗi người học nhận được nội dung phù hợp với nhu cầu và trình độ của họ.

Cách thực hành mô hình Microlearning như thế nào?

Nếu các đồng nghiệp đang là những người trực tiếp giảng dạy, truyền đạt kiến thức đến các học viên thì khi áp dụng mô hình Microlearning vào thiết kế bài giảng, bạn nên tham khảo những gợi ý sau:

  • Đánh giá mức độ phù hợp: Nếu mô hình giảng dạy của bạn có tính chuyên môn và phức tạp cao thì hình thức Microlearning có thể sẽ không phù hợp.
  • Nội dung bài học nên được thiết kế dễ hiểu: Đừng chỉ chăm chăm “copy-paste” nội dung free tràn lan trên mạng, bạn nên đầu tư chỉn chu cho nội dung bài giảng thật chất lượng để thu hút học viên.
  • Ứng dụng đa dạng phương tiện truyền thông: Với bài học chỉ toàn định dạng văn bản sẽ rất nhàm chán, do đó hay đa dạng lồng ghép thêm nhiều định dạng như video, hình ảnh, sơ đồ tư duy,…
  • Thiết kế đan xen những bài tập nhỏ đánh giá: Hãy thử áp dụng các bài tập áp dụng, bài test nhỏ hay các câu đố đơn giản,… nhằm đánh giá sự tiếp thu và đảm bảo rằng người học đã nắm bắt đúng kiến thức bài học.

Một số nền tảng Microlearning tốt nhất hiện nay

Những nền tảng ứng dụng mô hình Microlearning

Ứng dụng hình thức đào tạo Microlearning là cách tốt nhất để giữ chân người học. Và rất may mắn là hiện nay có rất nhiều nền tảng hỗ trợ thực hiện mô hình này. Hãy lưu ý rằng, khi lựa chọn thì mỗi nền tảng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố hay khóa học bạn cung cấp. Do đó, Hùng đã tổng hợp một số nền tảng Microlearning phổ biến sau đây.

Tên nền tảng Tính năng nổi bật Chi phí
Talentcards Phù hợp với các chương trình đào tạo nội bộ. Với tính năng tạo khóa học có hỗ trợ của AI, lưu trữ tài liệu không giới hạn, người dùng có thể sử dụng flashcard trong học tập,… Cả bản miễn phí và trả phí
Edapp Hỗ trợ tạo khóa học AI, tạo câu đố game hóa (gamification), tùy chỉnh thư viện khóa học,… Ngoài ra, bạn có thể theo dõi tiến độ, phân tích tổng quan. Cả bản miễn phí và trả phí
Cloud Assess Đào tạo tự động hóa, công cụ xây dựng khóa học linh hoạt cho nhiều ứng dụng khác nhau, kết hợp khả năng LMS mạnh mẽ,… Có gói pro và premium
iSpring Learn Hoạt động tốt trên nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại di động. Người dùng dễ dàng tạo video, slide, article,… ngay trên nền tảng. Có bản tính phí
7taps Tạo video và khóa học dựa trên AI, chuyển đổi pdf hoặc powerpoint sang nội dung Microlearning, hỗ trợ đa ngôn ngữ,… Có gói dùng thử Free
Spekit
Linh hoạt áp dụng cho nhiều chương trình họ trực tuyến (đặc biệt liên quan đến Salesforce), hỗ trợ tiện ích mở rộng trên Chrome, hàng trăm mẫu tạo nội dung,… Chưa cung cấp thông tin về giá trên web chính thức

Lưu ý khi áp dụng mô hình học tập chia nhỏ

Một số kinh nghiệm xây dựng Microlearning hiệu quả

Nếu các đồng nghiệp đã lựa chọn được chủ đề phù hợp để phát triển hình thức học Microlearning, thì việc phát triển được chúng hiệu quả cũng rất quan trọng. Để phần nào đoạn đường phát triển khóa học của các đồng nghiệp được suôn sẻ, Hùng đã tổng hợp được những điều cần lưu ý khi áp dụng mô hình học tập chia nhỏ dưới đây:

  • Cố định cho nội dung: Khi áp dụng hình thức Microlearning, cần đảm bảo rằng nội dung được trình bày ngắn gọn, loại bỏ những thông tin không cần thiết hoặc dễ gây nhầm lẫn. Nội dung nên tập trung vào việc cung cấp giải pháp cụ thể, tính ứng dụng cao giúp người học có thể áp dụng ngay.
  • Thiết kế ấn tượng và thân thiện: Vì để thuận tiện, người học thường tiếp cận mô hình học tập chia nhỏ qua các thiết bị di động. Do đó, nội dung học cần thân thiện với người dùng, giúp họ dễ dàng tìm thấy thông tin cần thiết và giảm thiểu thời gian tải.
  • Cá nhân hóa trải nghiệm học tập: Hệ thống đào tạo nên cho phép người học tùy chỉnh quá trình học theo nhu cầu, bỏ qua các nội dung không cần thiết và tập trung vào những gì mà họ quan tâm.

Với các bài học ngắn gọn, dễ tiếp thu, hình thức Microlearning giúp người học dễ dàng duy trì sự tập trung và ghi nhớ kiến thức lâu dài. Tuy có những hạn chế nhất định, mô hình này vẫn là một phương pháp đào tạo hiện đại, mang lại nhiều lợi ích đáng kể nhằm tăng cường hiệu quả học tập, đào tạo. Với những chia sẻ phía trên mà Khánh Hùng Academy vừa đem đến, Hùng tin rằng các đồng nghiệp đã hiểu được Microlearning là gì và có thể dễ dàng tận dụng tối đa những ưu điểm và khắc phục hạn chế triển khai hình thức đào này một cách hiệu quả cho chính khóa học của mình.